Top 20 Nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống.

admin

Tổng hợp các bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 20 Nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống

Quảng cáo

Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống - mẫu 1

Trong cuộc sống hằng ngày, nơi mình sinh sống ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người trên nhiều yếu tố: môi trường sống, khu vực sống, hàng xóm láng giềng,…Bởi vậy, tính trách nhiệm đối với nơi đó càng cần được đẩy cao hơn nhằm tạo ra một không gian sống thoải mái, vui vẻ.

Sống trong một cộng đồng nơi mình sinh sống, chúng ta cần ý thức được nguyên tắc ứng xử giao tiếp phù hợp, thể hiện những hành vi văn minh, đúng đắn với mọi người. Như vậy, sẽ xây dựng nên được tình thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ tình người với nhau. Việc hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” cũng từ đó được hình thành và thiết lập. Có thể là từ những hành động vô cùng đơn giản: chia sẻ cùng nhau những món quà quê, tụ tập lại cùng nhau,... Bởi lẽ con người luôn tồn tại trong một tập thể, chẳng ai có thể sống mà tách khỏi cộng đồng. Từ đó, tạo ra những gắn kết, có thể giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường.

Quảng cáo

Ngoài ra, chúng ta nên tránh thái độ thờ ơ, không quan tâm đến mọi người xung quanh, chỉ quan tâm đến gia đình mình. Như vậy, chúng ta đã tự tạo nên cho mình khoảng không gian cô lập trong một cộng đồng lớn. Bên cạnh đó, mỗi người cần có những hành động bảo vệ quan cảnh nơi mình sinh sống, không vứt rác bừa bãi, viết bậy lên tường, lấn chiếm vỉa hè đường phố,…Đồng thời, nên dành thời gian rảnh rỗi tham gia các hoạt động cộng đồng tại nơi đó, để nhằm gắn kết tinh thần cộng đồng, vừa giúp ích cho xã hội.

Mỗi người cần có trách nhiệm đối với nơi mình sinh sống, bởi chỉ cần một việc nhỏ mỗi ngày cũng đã góp phần tạo nên cuộc sống ý nghĩa, môi trường sống văn minh, lành mạnh hơn.

Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống - mẫu 2

Mỗi người chúng ta, ai cũng cần có trách nhiệm đối với nơi mà mình sinh sống. Bởi đó không chỉ là quê hương, mà còn là một phần tạo nên đất nước của chúng ta.

Nơi chúng ta sinh sống, hiểu đơn giản là con ngõ, thôn xóm, làng xã - nơi mái ấm của ta đang hòa mình. Đó là nơi có bạn bè, hành xóm, đồng nghiệp và cả những người thân yêu nhất của ta sinh sống. Những con đường, hàng cây, bầu không khí ở đó ngày ngày ta hít thở và qua lại nhiều lần. Chính vì vậy, việc chúng ta cần phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, là điều hiển nhiên và cần thiết như việc chúng ta có trách nhiệm với mái ấm của chính mình vậy.

Quảng cáo

Trách nhiệm ở đây được hiểu là bổn phận của một người, tức là những lời nói, hành động, thái độ phải phù hợp, đứng đắn theo một chuẩn mực xã hội nhất định. Nghĩa là mỗi người dân đều có trách nhiệm quan tâm đến nơi mình sinh sống. Điều đó thể hiện qua việc tham gia vào các hoạt động chung của thôn xóm, như dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, đóng góp cùng xây dựng đèn đường, làm đường, trồng hoa và cây dọc đường đi… Hoặc không tổ chức hát karaoke vào giờ nghỉ ngơi, không đổ rác bừa bãi, không bịa đặt, tung tin thất thiệt về hàng xóm láng giềng… Cùng với đó, là việc sẻ chia, giúp đỡ những người hàng xóm láng giềng khi gặp khó khăn, bất ổn. Đó chính là cách mà chúng ta thực hiện trách nhiệm của bản thân với nơi mà mình sinh sống.

Điều đó không chỉ giúp ích cho địa phương, cộng đồng nơi mình sống. Mà còn giúp bản thân chúng ta có một môi trường sống văn minh, sạch sẽ và thân thiện. Đồng thời, còn góp phần xây dựng hình ảnh bản thân chúng ta tốt đẹp, lịch sự hơn trong mắt cộng đồng. Và gây dựng nên các mối quan hệ tốt đẹp giữa những người láng giềng cùng chung khu vực sống. Như ông bà ta vẫn bảo “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Việc có những người hàng xóm tốt sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều trong cuộc sống này.

Quảng cáo

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại không ít cá nhân sống thiếu trách nhiệm với nơi mà mình sinh sống. Họ không hề tham gia vào các hoạt động tập thể của làng xóm. Sẵn sàng vứt rác bừa bãi ra đường làng. Vào ngày nghỉ, đêm khuya thì tổ chức hát karaoke ầm ĩ. Luôn tìm cách soi mói, bịa đặt về những người dân khác trong khu vực sống. Đó là những biểu hiện của người kém văn minh, gây ảnh hưởng đến cả khu dân cư. Những cá nhân có thói xấu như vậy càn được chấn chỉnh, răn đe bằng các hình thức phù hợp để sớm nhận thức được sai lầm của bản thân và thay đổi để phù hợp hơn với môi trường sống.

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi địa phương là một phần của đất nước. Vì vậy, để là một công dân có ích cho tổ quốc, trước hết chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và nơi mà mình sinh sống. Đó chính là cách mà chúng ta thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước.

Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống - mẫu 3

Nhà văn I-li-a Ê-ren-bua đã từng viết:

“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

Em rất đồng tình với nhà văn về cách mà ông diễn giải tình yêu tổ quốc. Bởi tổ quốc chính là rất nhiều những làng xóm, những mái nhà góp lại tạo thành. Khi ta yêu nơi mình sinh sống thì cũng chính là đang yêu tổ quốc. Và tình yêu đó phải hóa thành hành động, thành lời nói, thành trách nhiệm. Mỗi người trong chúng ta ai cũng yêu tổ quốc của mình, nên càng cần phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống.

Khi nhắc đến hai từ “trách nhiệm” chúng ta thường nghĩ ngay đến những hành động, việc làm to lớn, có tầm ảnh hưởng rộng đến địa phương minh sinh sống. Nhưng thật ra không phải như vậy. Trách nhiệm đó, tùy từng cá nhân với độ tuổi, hoàn cảnh gia đình, quỹ thời gian… mà sẽ biến hóa thành nhiều mức độ khác nhau. Hiểu một cách chung nhất thì đó là ý thức quan tâm, tham gia vào các hoạt động chung của địa phương như dọn dẹp vệ sinh đường phố, giữ trật tự và an ninh, đóng góp vào các quỹ khuyến học, giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi gặp khó khăn… Đó chính là cách mà chúng ta thể hiện trách nhiệm của mình đối với địa phương mà mình đang sinh sống.

Tuy nhiên, cùng với các cư dân luôn yêu quý và cống hiến cho quê hương, thì lại có nhiều trường hợp sống thiếu trách nhiệm với địa phương, với gia đình. Họ không tham gia vào các hoạt động tập thể chung của địa phương từ lao động đến quyên góp. Dù bản thân có thời gian và sức khỏe để tham gia. Họ cũng không có ý thức giữ gìn không gian chung của địa phương như cố tình vứt rác bừa bãi, đua xe tạo tiếng ồn lớn vào ban đêm, có hành vi trộm cướp… Thật đáng buồn khi có những con sâu muốn làm rầu nồi canh chung.

Tuy chỉ là một vài cá thể đơn lẻ, nhưng nhóm người này vẫn gây nên những tác hại khó bỏ qua cho xã hội. Trước hết, họ gây mất trật tự an ninh, gây ảnh hưởng xấu đến bộ mặt của địa phương. Sau đó, họ gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, tình cảm của người dân trên địa bàn. Ông cha ta từ xưa đã dạy rằng “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Nên việc đoàn kết giữa mọi người dân trên địa phương là vô cùng quan trọng.

Để khắc phục hiện tượng này và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho người dân đối với địa phương. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động về chủ đề yêu thương quê hương - xây dựng đất nước. Để giúp người dân tự ý thức được trách nhiệm của một công dân Việt Nam. Ngoài ra, các biện pháp xử lý, răn đe phù hợp đối với những cá nhân cố tình rũ bỏ, làm ngược lại với trách nhiệm của mình. Cùng với đó, cần có những kế hoạch, hoạt động tập thể văn minh, thích hợp để người dân có cơ hội được trao đổi, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng cá nhân. Từ đó giúp họ có thêm hiểu về trách nhiệm của mình.

Như vậy, mỗi người trong chúng ta đều cần có trách nhiệm với nơi mình sinh sống và cần cụ thể hóa nó thành hành động thực tiễn. Vâng lời Bác Hồ dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tùy theo sức của mình”. Em luôn cố gắng thực hiện trách nhiệm của bản thân bằng các hành động nhỏ như dọn vệ sinh đường làng, giúp cụ bà sang đường, tham gia quyên góp sách vở cho học sinh vùng cao… Em tin khi triệu hành động nhỏ góp lại sẽ làm nên một cơn gió lớn giúp quê hương đổi thay.

Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống - mẫu 4

Trong mỗi giai đoạn của cuộc sống, mỗi con người đều phải gắn bó với một nơi nào đó. Khi sinh ra, chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên với một nơi được gọi là quê hương. Khi đến gần hơn với độ tuổi trưởng thành, chúng ta lại gắn bó với một thành phố nào đó. Và những nơi đó đều được gọi là nơi mình sinh sống. Đó là nơi chúng ta học tập, làm việc, nghỉ ngơi và duy trì sự sống ở đó. Bởi thế, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống và đó cũng là nghĩa vụ của mọi người. Đặc biệt, với học sinh thì trách nhiệm đó lại càng quan trọng hơn nữa.

Nơi con người sinh sống ở mỗi giai đoạn lại có sự khác nhau, đó có thể là quê hương - nơi mà một người được sinh ra, lớn lên và có mối liên kết tình cảm mạnh mẽ. Quê hương thường được liên kết với một địa điểm cụ thể, thường là quê nhà của gia đình hoặc vùng đất mà người đó có nguyên gốc hoặc đã sinh sống trong một khoảng thời gian dài, gắn liền với những kỉ niệm, nơi có ông bà cha mẹ. Hoặc có thể khi chúng ta lớn lên sẽ sinh sống ở một nơi khác, đó là nơi trú ngụ của bản thân – nơi chúng ta sinh sống, học tập, làm việc trong một khoảng thời gian. Những nơi đó đều có mối liên hệ chặt chẽ đối với chúng ta ở một thời điểm nhất định, đó là nơi chúng ta hay lui tới và đảm bảo sự sống ở đó.

Nơi chúng ta sinh sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chúng ta ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nơi đó có đường xá, nhà cửa, cung cấp cho ta thức ăn, sự sống, nơi có những người thân của chúng ta, có bạn bè và những mối quan hệ khác. Con người sẽ khó có thể sống tốt nếu như không có những mối quan hệ xung quanh mình, đặc biệt là nơi có gia đình. Gia đình luôn là một nơi ấm áp để trở về, nơi có những người luôn dang rộng vòng tay đón chúng ta, nơi sẽ không có những mệt mỏi của cuộc sống ngoài kia. Đó còn là nơi con người xây dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội, gắn kết với bạn bè và cộng đồng. Nó tạo ra một môi trường để con người giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Môi trường xã hội này cung cấp sự hỗ trợ, an ủi và tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân và tương tác xã hội. Nơi sinh sống cũng cung cấp cho con người những yếu tố cơ bản của cuộc sống như nơi ở, thực phẩm, nước uống, y tế, giáo dục và cơ hội việc làm. Đây là nơi con người cảm nhận sự an toàn và thoải mái về vật chất, và nó đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Hơn nữa, nó cũng là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên, không khí trong lành, nguồn nước và đa dạng sinh học. Sự cân bằng và bền vững của môi trường tự nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe của con người. Nơi sinh sống tốt đẹp, trong lành và bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. Không những vậy, khi con người gắn bó với một nơi nào đó sẽ có những kỉ niệm về nơi đó, và ở đó sẽ là nơi lưu giữ những kí ức tươi đẹp của con người.

Mỗi người và đặc biệt là học sinh cần có trách nhiệm với nơi mình sinh sống vì nó mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong việc duy trì một môi trường sống tốt và mang lại lợi ích cho chính bản thân và cộng đồng. Bằng cách chăm sóc và giữ gìn nơi sinh sống, học sinh đóng góp vào việc tạo ra một môi trường sạch sẽ, an lành và đáng sống. Quan tâm đến việc giữ gìn môi trường xung quanh, bảo vệ cây cối, động vật và tài nguyên thiên nhiên sẽ tạo ra một không gian sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Từ đó cũng tạo ra một cảm giác thoải mái khi được sống trong một môi trường như vậy. Hơn nữa, khi học sinh đóng góp vào việc duy trì và cải thiện nơi mình sinh sống, họ sẽ phát triển cho mình lòng tự hào về môi trường xung quanh. Điều này tạo điều kiện cho học sinh cảm thấy có ý nghĩa và trân trọng đối với nơi mình sống, khuyến khích tinh thần hợp tác và tạo ra một cộng đồng phát triển, văn minh. Một môi trường sống sạch sẽ và thoải mái có ảnh hưởng tích cực đến quá trình học tập. Khi không phải lo lắng về môi trường ô nhiễm hoặc rác thải, học sinh có thể tập trung vào việc học hơn, tăng hiệu suất và sự sáng tạo trong quá trình học. Không những vậy, một môi trường sống sạch sẽ còn tác động tích cực đến sức khỏe của mọi người. Bằng cách duy trì vệ sinh cá nhân, quản lý chất thải một cách đúng đắn và hỗ trợ công tác giữ gìn môi trường, học sinh giúp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cả bản thân và cộng đồng. Ngoài ra, học sinh là thế hệ đang được học tập, rèn luyện, tu dưỡng, nếu có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, điều đó cho thấy bản thân họ là người có phẩm chất đạo đức tốt, sống có trách nhiệm, biết trân trọng chính cuộc sống của mình, và được mọi người xung quanh yêu mến, tôn trọng. Và đó sẽ là tiền đề cho sự phát triển sau này của họ, họ sẽ trở thành một công dân có ích cho xã hội. Bởi khi họ có trách nhiệm với chính thế giới nhỏ của mình thì họ cũng sẽ có trách nhiệm với một cộng đồng rộng lớn hơn. Mọi đức tính tốt đẹp sẽ được hình thành từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ngược lại, học sinh không có trách nhiệm với nơi mình sinh sống nghĩa là họ thiếu ý thức về bảo vệ môi trường có thể dẫn đến việc học sinh vứt rác lung tung, không phân loại chất thải, hoặc gây ô nhiễm nước và không khí. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của chính họ, ảnh hưởng đến môi trường học tập và tạo ra một không gian không thoải mái, không tạo điều kiện tốt cho việc học và sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng môi trường sống và ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên. Họ có thể không chịu trách nhiệm chung trong việc duy trì và cải thiện nơi sống. Điều này dẫn đến thiếu tinh thần đồng đội và khó khăn trong việc xây dựng một cộng đồng hài hòa và phát triển.

Thực tế hiện nay, một bộ phận số đông học sinh đã thể hiện vai trò và trách nhiệm đối với nơi mình sinh sống qua các hành động cụ thể. Một số học sinh tham gia vào các hoạt động như thu gom rác, phân loại chất thải, trồng cây xanh, tham gia chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Họ nhận thức về tầm quan trọng của môi trường và đóng góp vào việc duy trì và cải thiện nơi sống của mình. Họ tắt đèn khi không cần thiết, tắt nước khi không sử dụng, sử dụng sách giáo trình tái chế và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo. Học sinh tham gia vào các hoạt động xã hội như công tác từ thiện, giúp đỡ cộng đồng, tình nguyện trong các tổ chức phi lợi nhuận. Họ có nhận thức về vai trò của mình trong việc xây dựng một cộng đồng văn minh và hỗ trợ những người khó khăn. Thật vậy, mỗi năm học ở các trường học, thầy cô luôn phát động các chiến dịch làm sạch khu vực khuôn viên trường học, các bạn học sinh đều rất hưởng ứng tham gia dọn dẹp sạch sẽ theo các khu vực được phân công. Đây cũng là hành động nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bạn học sinh chưa có ý thức được tầm quan trọng của việc có trách nhiệm với nơi mình sinh sống: xả rác bừa bãi, không dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, trốn tránh tham gia các hoạt động làm sạch môi trường, lãng phí điện, nước khi sử dụng,…Những việc làm đó đều làm ảnh hưởng tới nơi sinh sống của họ. Một nghiên cứu năm 2019 tại một số trường học cho thấy chỉ 30% học sinh có ý thức về việc phân loại chất thải và chỉ 15% học sinh tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường như thu gom rác.

Về nhận thức, trách nhiệm của học sinh đối với nơi sinh sống là vô cùng quan trọng. Học sinh cần nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và ý thức về hệ thống sinh thái và tài nguyên tự nhiên. Họ nên hiểu rằng hành động cá nhân của mình có thể có tác động đáng kể đến môi trường và cần phải đóng góp vào việc duy trì và bảo vệ môi trường xanh. Học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự và vệ sinh trong nơi mình sinh sống, môi trường sạch sẽ và gọn gàng không chỉ tạo điều kiện tốt cho sức khỏe mà còn tăng cường tinh thần làm việc và học tập. Quyền được sống trong một môi trường an lành, sạch sẽ và thoải mái đi đôi với trách nhiệm đảm bảo môi trường đó. Về hành động, học sinh và mọi người cần có những việc làm cụ thể như dọn dẹp vệ sinh khu vực mình sinh sống, tiết kiệm tài nguyên, tôn trọng và đối xử hoà thuận với mọi người sinh sống xung quanh mình.

Để học sinh hiểu và nhận thức rõ được trách nhiệm quan trọng của mình với nơi mình sinh sống, cha mẹ, thầy cô, nhà trường cần có trách nhiệm, định hướng cụ thể cho học sinh. Với gia đình, cha mẹ có trách nhiệm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để con cái phát triển ý thức và nhận thức về trách nhiệm của mình đối với nơi mình sinh sống. Họ có thể khuyến khích con tham gia vào các hoạt động xã hội, giải thích về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và truyền đạt giá trị của việc giữ gìn vệ sinh và trật tự. Cha mẹ cần làm gương cho con bằng cách tự thực hiện những hành động có trách nhiệm đối với nơi sống của mình. Họ có thể hướng dẫn con về việc sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Với nhà trường, nhà trường có trách nhiệm xây dựng chương trình giáo dục nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm của học sinh đối với nơi mình sinh sống. Điều này có thể được thực hiện qua các hoạt động giáo dục, bài học, buổi thảo luận, và ví dụ thực tế về trách nhiệm cá nhân và xã hội.

Tóm lại, học sinh nói riêng và mọi người nói chung cần tự nâng cao ý thức bảo vệ và giữ gìn nơi mình sinh sống, phải thực hiện những việc làm cụ thể góp phần giúp môi trường xung quanh mình trở nên tốt đẹp, văn minh và đáng sống hơn. Là học sinh, bản thân em nhận thức được vai trò của việc phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, từ đó em sẽ có những việc làm cụ thể để thể hiện điều đó như dọn dẹp môi trường sống của mình, tham gia vào cáv hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường sống với mọi người.

Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống - mẫu 5

Trong hành trình cuộc sống hàng ngày, nơi mà chúng ta gọi là nhà, nơi mình sinh sống, thực sự có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân. Đây không chỉ là một nơi để chúng ta nghỉ ngơi và sinh hoạt, mà còn là môi trường sống, khu vực sống, và cả cộng đồng xung quanh. Từ những người hàng xóm thân thiện đến môi trường sống xanh sạch, tất cả đều góp phần tạo nên một không gian sống an lành, hạnh phúc, và ý nghĩa hơn cho mỗi cá nhân.

Trách nhiệm đối với nơi mình sinh sống không chỉ là nhiệm vụ của một cá nhân, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Sống trong một cộng đồng, chúng ta cần thể hiện sự tôn trọng và sẻ chia với mọi người xung quanh. Những hành động nhỏ như chia sẻ, hỗ trợ và quan tâm đến những người hàng xóm là những bước đầu tiên trong việc xây dựng một tinh thần đoàn kết và gắn bó. Bằng cách này, chúng ta không chỉ tạo ra một môi trường sống tốt đẹp mà còn tạo ra một cảm giác ấm áp và an toàn trong cộng đồng.

Tuy nhiên, tránh xa và không quan tâm đến những người xung quanh chỉ làm cho chúng ta cô lập và tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ hàng xóm. Việc có những hành động như vứt rác bừa bãi, lấn chiếm không gian chung, hoặc thái độ thờ ơ đối với các vấn đề cộng đồng không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn làm suy giảm tinh thần đoàn kết và gắn kết trong cộng đồng.

Do đó, mỗi cá nhân cần có trách nhiệm và ý thức về việc bảo vệ và giữ gìn nơi mình sinh sống. Những hành động nhỏ như giữ gìn vệ sinh, tham gia các hoạt động cộng đồng, và tôn trọng quyền lợi của những người khác có thể tạo ra một sự khác biệt lớn trong cuộc sống hàng ngày của cả cộng đồng. Chỉ cần mỗi người đều thực hiện một việc nhỏ mỗi ngày, chúng ta đã có thể cùng nhau xây dựng một môi trường sống văn minh, lành mạnh và ý nghĩa hơn.

Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống - mẫu 6

Trong đời sống hàng ngày, môi trường sống của chúng ta không chỉ là nơi chứa đựng căn nhà, mà còn là một thực thể đa chiều ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống cá nhân. Từ không gian sống đến cách thức giao tiếp với hàng xóm láng giềng, tất cả đều góp phần tạo ra một môi trường sống tốt đẹp và ảnh hưởng đến sự thoải mái và hạnh phúc của mỗi người.

Sống trong một cộng đồng, việc ý thức và thực hiện các nguyên tắc giao tiếp và hành xử đúng mực là rất quan trọng. Điều này không chỉ tạo ra một tinh thần đoàn kết mà còn giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ gắn bó với những người xung quanh. Hành động như "tối lửa tắt đèn có nhau" không chỉ là biểu hiện của tình đoàn kết mà còn là cơ sở của một cộng đồng văn minh. Những hành động nhỏ như chia sẻ, tụ tập cùng nhau có thể tạo ra những liên kết mạnh mẽ, giúp chúng ta cảm thấy thuộc về và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, tránh xa tư duy thái độ thờ ơ và không quan tâm đến mọi người xung quanh là cực kỳ quan trọng. Việc tập trung chỉ vào gia đình mình có thể tạo ra một khoảng trống trong mối quan hệ với cộng đồng. Thay vào đó, chúng ta cần hành động để bảo vệ và duy trì vẻ đẹp của nơi mình sống, từ việc giữ gìn vệ sinh đến việc tham gia các hoạt động cộng đồng. Những hành động nhỏ như không vứt rác bừa bãi hay không viết bậy lên tường có thể tạo ra sự văn minh và lành mạnh trong cộng đồng.

Mỗi cá nhân cần nhận ra trách nhiệm của mình đối với nơi mình sống. Những hành động nhỏ hàng ngày có thể góp phần tạo ra một môi trường sống ý nghĩa hơn, từ việc duy trì vệ sinh cho đến việc tham gia các hoạt động cộng đồng. Bằng cách này, chúng ta không chỉ tạo ra một cộng đồng hòa hợp mà còn góp phần vào sự phát triển và sức khỏe của xã hội.

Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống - mẫu 7

Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, mỗi con người đều kết nối với một nơi nào đó, và quan hệ này thường phản ánh sự phát triển và trưởng thành của họ. Quê hương, là nơi chúng ta ra đời và lớn lên, thường đánh dấu bằng những kỷ niệm sâu đậm với gia đình, với địa danh cụ thể, với hương vị của quê nhà. Tuy nhiên, khi chúng ta bước vào tuổi trưởng thành, một thành phố mới có thể trở thành điểm dừng chân mới, nơi mà chúng ta học hỏi, làm việc, và gắn bó với cộng đồng xung quanh. Mỗi nơi chúng ta sống đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp một môi trường cho sự phát triển cá nhân và xã hội.

Nơi mà con người sinh sống không chỉ là một vùng đất, mà còn là nền tảng cho mọi hoạt động hàng ngày. Nó không chỉ cung cấp cho chúng ta những nhu cầu vật chất như thức ăn, nước uống, và nơi ở, mà còn là nơi mà chúng ta xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội, từ gia đình đến bạn bè và cộng đồng. Gia đình là trung tâm của mọi hoạt động xã hội, là nơi chúng ta tìm kiếm sự ấm áp và sự bảo vệ, và cũng là nơi mà chúng ta học hỏi về giá trị và đạo đức. Nhưng không chỉ có gia đình, môi trường xã hội rộng lớn hơn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển và hòa nhập của con người.

Việc học sinh hiểu và thực hiện trách nhiệm đối với nơi họ sống không chỉ là việc cung cấp một môi trường sống tốt đẹp cho bản thân mình, mà còn là việc góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng văn minh và phát triển. Bằng cách tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, họ không chỉ làm cho môi trường xung quanh trở nên sạch sẽ và thoải mái hơn mà còn phát triển tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào về nơi mình sống. Điều này cũng tạo ra một tinh thần hợp tác và lòng yêu thương đối với cộng đồng, giúp cho môi trường sống trở nên tốt đẹp và bền vững hơn.

Tuy nhiên, nhận thức và hành động của học sinh không thể đứng riêng lẻ. Cha mẹ và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và định hình ý thức và trách nhiệm của họ. Qua việc cung cấp kiến thức, môi trường giáo dục phù hợp, và việc thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, họ có thể tạo ra một thế hệ học sinh có ý thức và trách nhiệm với nơi mình sống, và từ đó, góp phần vào sự phát triển và hòa bình của xã hội.

Bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống - mẫu 8

Trong quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân, việc kết nối với một nơi cụ thể là không thể tránh khỏi. Từ khi chào đời, chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một môi trường gọi là quê hương. Quê hương đóng vai trò quan trọng, là nơi mà ta gắn kết với những ký ức đáng nhớ, những mối quan hệ gia đình và cảm nhận được sự ấm áp của tình thân. Còn khi bước vào giai đoạn trưởng thành, chúng ta thường tìm thấy một thành phố, một nơi mà ta gọi là "nhà", là môi trường để học tập, làm việc và xây dựng cuộc sống. Những nơi này, dù là quê hương hay nơi cư trú hiện tại, đều góp phần tạo nên cuộc sống của chúng ta và đều xứng đáng được gọi là "nơi mình sống". Chúng ta học hỏi, làm việc và nghỉ ngơi tại đây, cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ với nơi mình gắn bó.

Mỗi giai đoạn của cuộc sống lại mang đến một loại gắn kết khác nhau với nơi chúng ta sinh sống. Quê hương là nơi mà ta hình thành những ký ức đầu tiên, những bước chân đầu tiên trên con đường trưởng thành. Nó là nơi gắn bó với dòng họ, với nền văn hóa, và là nơi mà ta học được những bài học quý giá từ những người thân yêu nhất. Tuy nhiên, khi ta trưởng thành, chúng ta có thể di chuyển đến một nơi mới, một nơi trú ngụ riêng, một "nhà" của bản thân. Đó là nơi chúng ta tạo ra những mối quan hệ mới, học tập và phát triển bản thân. Những nơi này, dù là quê hương hay nơi cư trú hiện tại, đều góp phần tạo nên cuộc sống của chúng ta và đều xứng đáng được gọi là "nơi mình sống". Chúng ta học hỏi, làm việc và nghỉ ngơi tại đây, cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ với nơi mình gắn bó.

Nơi chúng ta sinh sống không chỉ là một địa điểm vật lý mà còn là nguồn cảm hứng, là nguồn năng lượng cho sự phát triển cá nhân và xã hội. Từ những con đường quen thuộc đến những bản nhạc vang vọng trong nhà, mỗi chi tiết của nơi này đều tạo nên một bức tranh đầy đủ và đa chiều về cuộc sống. Đó là nơi chúng ta tìm thấy sự ấm áp của gia đình, niềm vui của bạn bè và ý nghĩa của các mối quan hệ xã hội. Bằng cách tôn trọng và giữ gìn nơi chúng ta sinh sống, chúng ta đang bảo vệ và phát triển cả một cộng đồng, tạo ra một môi trường sống tốt đẹp và bền vững cho tương lai. Đặc biệt, đối với học sinh, việc này trở nên càng quan trọng hơn, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và phát triển cá nhân của họ.

Đúng với những giá trị này, học sinh không chỉ là những người học tập mà còn là những công dân tương lai của xã hội. Việc họ có trách nhiệm với nơi mình sinh sống không chỉ là nghĩa vụ cá nhân mà còn là đóng góp tích cực vào một cộng đồng sống bền vững và phát triển. Bằng cách tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, dọn dẹp và tôn trọng môi trường sống, học sinh không chỉ xây dựng lòng tự hào và trách nhiệm cá nhân mà còn góp phần tạo ra một môi trường sống tốt đẹp cho tất cả mọi người. Điều này không chỉ là lợi ích cho cá nhân mà còn là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của cộng đồng trong tương lai.

Với mỗi học sinh, việc nhận thức và thực hiện trách nhiệm đối với nơi mình sinh sống là một phần quan trọng của quá trình học tập và phát triển cá nhân. Bằng cách này, họ không chỉ là người tiêu dùng mà còn là những nhà lãnh đạo tương lai, biết trân trọng và bảo vệ môi trường xung quanh mình. Chính vì vậy, quyền được sống trong một môi trường an lành, sạch sẽ và thoải mái không chỉ là một ưu tiên mà còn là một trách nhiệm mà mọi người cần phải chấp nhận và thực hiện mỗi ngày.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 8 hay khác:

  • Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với xã hội, cộng đồng, đất nước)

  • Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: học sinh với việc xây dựng trường học thân thiện.

  • Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: học sinh với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

  • Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thông qua việc tổ chức một lễ hội ở quê em.

  • Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống: vai trò của hiểu biết lịch sử trong việc bồi đắp lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của học sinh đối với cộng đồng.

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:

  • Soạn văn 8 Kết nối tri thức (hay nhất)
  • Soạn văn 8 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
  • Giải lớp 8 Kết nối tri thức (các môn học)
  • Giải lớp 8 Chân trời sáng tạo (các môn học)
  • Giải lớp 8 Cánh diều (các môn học)

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Tập 1 và Tập 2 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 8 Kết nối tri thức khác